Công Ty Giải Pháp Công Nghệ NIDI

Kết nối với chúng tôi:

Kết nối với chúng tôi:

Ưu tiên quản lý CNTT trong công tác quản lý nhà nước

Ưu tiên quản lý CNTT trong công tác quản lý nhà nước

 

Trong những năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Nhận thức của cán bộ về CNTT còn hạn chế

Kể từ khi Chương trình Quốc gia về Công nghệ thông tin bị giải thể năm 1998, các bộ, tỉnh không nhận được sự chỉ đạo hướng dẫn phát triển ứng dụng CNTT theo một chương trình thống nhất của trung ương. Hạ tầng kỹ thuật tin học của nhiều bộ, tỉnh (mạng LAN, máy tính) được đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng do bị cắt kinh phí đầu tư nên các công trình bị dở dang, không có điều kiện duy trì, đã xuống cấp, và ở trong tình trạng hoạt động cầm chừng, hoặc ngừng hoạt động. Phần lớn các địa phương không đầu tư (hoặc đầu tư nhỏ giọt) để triển khai các dự án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước. Việc phát triển tin học hóa quản lý hành chính nhà nước và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin không được hướng dẫn, không có quy trình triển khai các phần mềm tin học ứng dụng. Cơ sở pháp lý để xây dựng, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin không đầy đủ. Vì vậy, các bộ, tỉnh ở trong tình trạng lúng túng, không rõ phương hướng phát triển ứng dụng tin học của đơn vị, chủ yếu chỉ duy trì ứng dụng tin học trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học; nhiều hệ thống thông tin sau khi tin học hóa xong lại không được sử dụng vì không đồng bộ với các quy chế, quy trình làm việc hiện hành.

Ðiển hình là một số phần mềm dùng chung được xây dựng năm 1998, đã triển khai, nhưng không hoạt động trên thực tế, gây tốn kém nhiều mặt. Lực lượng kỹ thuật tin học của các tỉnh không được đào tạo và cập nhật kiến thức công nghệ mới; chính sách đãi ngộ và hệ thống ngạch bậc, chức danh đối với đội ngũ tin học chuyên trách trong các cơ quan hành chính nhà nước không rõ ràng nên các đơn vị tin học ở nhiều bộ và nhiều địa phương rất yếu, không có cán bộ.

Nhận thức về tin học hóa quản lý hành chính nhà nước chỉ là công việc mang tính khoa học công nghệ, không được đặt trong một chương trình cải cách hành chính, vì vậy, việc tổ chức thực hiện rất khó khăn và không hiệu quả. Ðề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (Ðề án 112) ra đời và được triển khai trong bối cảnh đó, sau khi có Quyết định số 137/2001/QÐ-TTg ngày 17-9-2001 và Quyết định số 27/2002/QÐ-TTg, ngày 5-2-2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai Ðề án 112 cũng gặp không ít khó khăn. Chưa hình thành được nguồn thông tin (dữ liệu) điện tử đủ nhiều và có chất lượng cao để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định hành chính kịp thời; nhất là kết quả tin học hóa chưa hỗ trợ đắc lực cho việc ra quyết định hành chính cũng như đáp ứng đầy đủ các bức xúc thông tin của doanh nghiệp và nhân dân; hỗ trợ các ngành kinh tế – xã hội khác phát triển. Mặc dù hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ đã hình thành, nhưng việc vận hành các hệ thống thông tin điện tử đã triển khai trong thời gian qua còn có nhiều hạn chế, không đồng đều giữa các địa phương.

Bên cạnh những khó khăn về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa đủ, kinh phí vận hành còn eo hẹp, khó khăn lớn là quá trình cải cách hành chính nhà nước còn chậm, chưa hỗ trợ việc thay đổi phương thức làm việc trong môi trường công nghệ mới. Ðội ngũ cán bộ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ công chức chưa có đủ trình độ, nhận thức, thói quen chưa bắt kịp với yêu cầu làm việc chặt chẽ của hệ thống thông tin điện tử trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Việc nhận thức vai trò của ứng dụng CNTT mang lại hiệu quả cho công tác quản lý điều hành hành chính nói chung còn thấp, thể hiện ở đầu tư cho tin học hóa, bố trí thời gian, nguồn nhân lực của bộ, tỉnh cho chương trình tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, tình trạng cát cứ thông tin vẫn diễn ra. Công tác thông tin tuyên truyền hiểu rõ lợi ích của nền hành chính điện tử, chính phủ điện tử còn chậm, tỷ lệ tham gia dịch vụ điện tử của chính phủ còn thấp. Tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, không tổ chức được nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước; không giải phóng được lưu lượng thông tin điện tử trao đổi trên mạng.

Hình thành phương thức làm việc mới

Tuy còn những hạn chế nhất định, sau bốn năm thực hiện, cùng với sự cố gắng của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trong việc ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, việc triển khai Ðề án 112 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tạo ra một phương thức làm việc mới có sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ công chức nhà nước. Nhiều cơ quan nhà nước đã chuyển từ điều hành thủ công truyền thống sang điều hành qua mạng máy tính. Lần đầu tiên thiết lập được hệ thống thông tin điện tử trong cả nước, hình thành hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ, bao gồm trung tâm tích hợp dữ liệu của các bộ, các tỉnh, mạng cục bộ (LAN) của mỗi cơ quan thuộc cơ cấu bên trong của bộ, tỉnh, mạng diện rộng liên kết các hệ thống tin học của bộ, tỉnh. Trong đó điểm hội tụ của toàn hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ là cổng thông tin điện tử Chính phủ được khai trương và đưa vào vận hành ngày 9-9-2005.

Hệ thống thông tin điện tử của các bộ, tỉnh đã vận hành các phần mềm ứng dụng tin học hóa quản lý hành chính nhà nước và cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo của bộ, tỉnh và Thủ tướng Chính phủ. Hơn 25 nghìn văn bản quy phạm pháp luật được cập nhật và công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hơn 300 hệ thống thông tin điện tử được cài đặt tại các bộ, tỉnh, trong đó 35% hệ thống thông tin đã được vận hành trong bộ máy hành chính. Hơn 60% số cán bộ công chức biết sử dụng thư điện tử hành chính (dạng gov.vn) và khai thác mạng internet.

Việc triển khai Ðề án 112 đã định hướng được kiến trúc hệ thống thông tin của Chính phủ, phối hợp xây dựng được một số chuẩn thông tin áp dụng để xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng CNTT. Kết quả này còn được lấy làm chuẩn cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin tham chiếu và áp dụng. Hình thành hệ thống tổ chức quản lý, điều hành thực hiện Ðề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Tất cả các bộ, tỉnh và các cơ quan trung ương khác (115 cơ quan) đều đã thành lập ban điều hành Ðề án 112 và thành lập trung tâm tin học để triển khai Ðề án 112 của bộ, tỉnh.

Trong thời gian qua, gần 60 nghìn công chức hành chính được đào tạo ứng dụng tin học để vận hành hệ thống thông tin điện tử đang triển khai tại các bộ, tỉnh. Hầu hết cán bộ tin học của các bộ, tỉnh đã được đào tạo tin học theo chuẩn của Ðề án 112, có trình độ quản trị cơ bản để khai thác – quản lý các hệ thống thông tin điện tử của các bộ, tỉnh. Ðề án 112 đã tập hợp được đông đảo đội ngũ chuyên gia (bao gồm chuyên gia tin học và chuyên gia quản lý). Tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho lực lượng CNTT của đất nước, nhất là doanh nghiệp tin học vừa và nhỏ, thoát khỏi tình trạng bế tắc và bắt đầu phát triển nhờ các chính sách đầu tư thông qua Ðề án 112 của Chính phủ.

Về cơ bản, các hệ thống thông tin đã bắt đầu cung cấp thông tin phục vụ trực tiếp cho công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan cấp bộ, tỉnh. Những kết quả chủ yếu trên đây của Ðề án 112 kết hợp những kết quả đạt được của Ðề án 169 là những yếu tố cơ bản để triển khai giai đoạn II tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước và góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa nền hành chính điện tử của nước ta.

(Theo ND)

 

Tư vấn hỗ trợ khách hàng

1900 636 083

T2 - T6: Từ 8h00 - 17h

Ý kiến khách hàng đối tác